Đối với người sử dụng xe ô tô, việc có đầy đủ các loại giấy tờ liên quan là điều rất cần thiết và bắt buộc. Vậy các loại giấy tờ xe ô tô đó là gì? Chúng có thời hạn sử dụng trong bao lâu và nếu không có hay không mang sẽ bị phạt như thế nào? Bài viết dưới đây Carpla sẽ giải đáp chi tiết về những vấn đề này, nếu bạn đang quan tâm hãy đón đọc nhé!
1. Các loại giấy tờ xe ô tô
Khi điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông cần tuân thủ quy định của Luật giao thông đường bộ. Các giấy tờ xe ô tô cần mang theo, theo Khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, bao gồm:
- Giấy đăng ký xe ô tô.
- Giấy phép lái xe.
- Đăng kiểm xe ô tô (giấy chứng nhận về kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới).
- Giấy chứng nhận về bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) của xe ô tô.
Nếu xe ô tô đang trả góp, người điều khiển cần mang theo giấy tờ bản gốc do ngân hàng cung cấp thay thế cho giấy đăng ký xe.
Theo Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, tất cả các giấy tờ xe đều phải là bản gốc; giấy tờ photo không có hiệu lực. Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP, nếu vi phạm luật giao thông và bị tước giấy phép lái xe hoặc tạm giữ giấy tờ xe, người vi phạm cần hoàn tất các thủ tục nộp phạt để được giao trả lại giấy tờ chính.
2. Thời hạn sử dụng của giấy tờ xe ô tô
Như đã nói ở trên, giấy tờ của xe ô tô gồm 4 loại chính và mỗi loại đều có thời hạn sử dụng khác nhau. Cụ thể:
2.1 Giấy đăng ký xe ô tô
Thời hạn giấy đăng ký xe được quy định cụ thể theo từng loại xe như sau:
- Xe ô tô tải, ô tô khách, xe cải tạo: Xe ô tô chở hàng tối đa 25 năm; xe ô tô chở người tối đa 20 năm. Xe ô tô chuyển đổi công năng từ trước ngày 01/01/2002 tối đa 17 năm (Thời hạn sử dụng tính từ năm sản xuất xe).
- Xe ô tô, mô tô của người nước ngoài: Thời hạn ghi theo chứng minh thư ngoại giao, công vụ, lãnh sự hoặc thẻ cư trú tại Việt Nam.
- Xe ô tô, mô tô của cơ quan đại diện ngoại giao và tổ chức quốc tế: Thời hạn ghi lần đầu là 5 năm và được gia hạn 3 năm/lần.
2.2 Giấy phép lái xe
Đối với giấy phép lái xe ô tô, thời hạn sử dụng sẽ được quy định theo từng loại hạng bằng khác nhau. Cụ thể:
- Giấy phép lái xe thuộc các hạng A1, A và B1 không có thời hạn.
- Giấy phép lái xe thuộc các hạng B và C1, thời hạn sử dụng là 10 năm kể từ ngày cấp.
- Giấy phép lái xe thuộc các hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE, thời hạn sử dụng là 5 năm kể từ ngày cấp.
2.3 Đăng kiểm xe ô tô
Theo quy định mới nhất về thời hạn đăng kiểm xe ô tô năm 2024:
- Đối với các dòng xe con không thực hiện kinh doanh vận tải, chu kỳ đăng kiểm lần đầu được quy định là 30 tháng. Sau đó, đăng kiểm sẽ được thực hiện mỗi 18 tháng một lần.
- Khi xe đủ 7 năm tuổi kể từ ngày sản xuất, chu kỳ đăng kiểm sẽ rút ngắn còn 12 tháng.
- Đối với xe có tuổi thọ trên 12 năm, chu kỳ đăng kiểm sẽ giảm còn 6 tháng một lần.
2.4 Bảo hiểm xe ô tô
Theo Điều 9 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, bảo hiểm của xe ô tô có thời hạn tối thiểu được quy định là 01 năm và tối đa là 3 năm, trừ các trường hợp sau đây:
- Xe ô tô nước ngoài tạm nhập, tái xuất có thời gian tham gia giao thông dưới 1 năm trên lãnh thổ Việt Nam.
- Xe ô tô có niên hạn sử dụng nhỏ hơn 1 năm theo quy định pháp luật.
- Xe ô tô thuộc đối tượng đăng ký tạm thời theo quy định của Bộ Công an.
3. Mức phạt khi không có/ không mang theo giấy tờ xe ô tô
Ngoài việc thời hạn của các loại giấy tờ của xe ô tô ở trên bị hết hạn bạn có thể bị phạt thì việc không có hay không mang theo khi tham gia giao thông cũng sẽ bị phạt với mức theo từng loại giấy tờ như sau:
3.1 Giấy đăng ký xe
Khi không có giấy phép lái xe hay không mang theo hoặc hết hạn sử dụng, mức phạt sẽ được áp dụng:
- Không có giấy đăng ký xe hoặc giấy đã hết hạn: Phạt từ 2 triệu đến 3 triệu đồng (quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 16).
- Không mang theo giấy đăng ký xe: Phạt từ 200 – 400 nghìn đồng (quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 21).
3.2 Giấy phép lái xe
Mức phạt đối với loại giấy tờ xe ô tô là giấy phép lái xe được quy định cụ thể:
- Khi không có giấy phép lái xe, sử dụng giấy phép không hợp lệ hoặc giấy phép bị tẩy xóa: Phạt từ 10.000.000 – 12.000.000 đồng (Điểm b Khoản 8 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi điểm b Khoản 9 Điều 21 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Không mang theo giấy phép lái xe: Phạt từ 200.000 – 400.000 đồng (Điểm b Khoản 8 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Không mang theo giấy phép lái xe quốc tế (trừ giấy phép do Việt Nam cấp): Phạt từ 5.000.000 – 7.000.000 đồng.
3.3 Sổ đăng kiểm xe ô tô
Đối với giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (sổ kiểm định), mức phạt được quy định như sau:
- Không mang theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường: Phạt từ 200.000 – 400.000 đồng (quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 21).
- Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định đã hết hạn dưới 01 tháng: Phạt từ 3.000.000 – 4.000.000 đồng (Điểm a Khoản 5 Điều 16 Nghị định 123/2018/NĐ-CP).
3.4 Bảo hiểm xe ô tô
Trong trường hợp, người điều khiển xe không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực, sẽ bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng (quy định cụ thể tại Điểm b Khoản 4 Điều 21).
Có thể thấy, giấy tờ xe ô tô bao gồm nhiều loại, chúng đều có thời hạn sử dụng riêng cũng như mức phát cụ thể khi không có, không mang hoặc hết hạn. Carpla hy vọng với chia sẻ này bạn có thể nắm rõ hơn về các loại giấy tờ của xe ô tô, chuẩn bị đầy đủ và chấp hành nghiêm chỉnh để không bị phạt khi có kiểm tra hành chính.