Cho tôi hỏi điều khiển xe đạp thể thao đi vào làn đường dành cho xe ô tô có thể bị phạt hành chính bao nhiêu tiền? Trên đường một chiều có nhiều vạch kẻ phân làn đường, xe đạp thể thao và xe ô tô phải di chuyển như thế nào? Xe đạp thể thao có được quyền ưu tiên khi chuyển hướng xe hay không? Câu hỏi của anh N.M.T (Long An).
1. Điều khiển xe đạp thể thao đi vào làn đường dành cho xe ô tô có thể bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?
Hành vi điều khiển xe đạp thể thao vào làn đường ô tô được quy định tại điểm c khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) như sau:
Xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe đạp, xe đạp máy buông cả hai tay; chuyển hướng đột ngột trước đầu xe cơ giới đang chạy; dùng chân điều khiển xe đạp, xe đạp máy;
b) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
c) Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang vác vật cồng kềnh; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác;
d) Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn hoặc gây cản trở đối với xe cơ giới xin vượt, gây cản trở xe ưu tiên;
đ) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
3. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe lạng lách, đánh võng; đuổi nhau trên đường;
b) Đi xe bằng một bánh đối với xe đạp, xe đạp máy; đi xe bằng hai bánh đối với xe xích lô;
c) Đi vào khu vực cấm; đường có biển báo hiệu nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển; đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”;
d) (Bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 36 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP);
đ) (Bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 36 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP);
e) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Theo đó, người điều khiển xe đạp thể thao đi vào làn đường dành cho xe ô tô có thể bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
2. Trên đường một chiều có nhiều vạch kẻ phân làn đường, xe đạp thể thao và xe ô tô phải di chuyển như thế nào?
Việc sử dụng làn đường được quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:
Sử dụng làn đường
1. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
2. Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
3. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.
Theo đó, trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe đạp thể thao phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe ô tô đi trên làn đường bên trái.
3. Xe đạp thể thao có được quyền ưu tiên khi chuyển hướng xe hay không?
Việc chuyển hướng xe được quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:
Chuyển hướng xe
1. Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
2. Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
3. Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.
4. Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.
Theo đó, trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước người đi xe đạp nói chung đang đi trên phần đường dành riêng cho họ và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
Trên đây là những thông tin được Carpla thu thập từ thuvienphapluat.vn nhằm mục đích gửi đến các bạn những thông tin mới nhất về luật giao thông đường bộ. Ngoài ra Carpla còn rất nhiều dịch vụ về xe ô tô như mua bán xe ô tô đã qua sử dụng, đại lý phân phối bảo hiểm xe ô tô Tasco, bảo dưỡng và làm đẹp cho xe ô tô,… Đừng ngại ngần mà hãy liên hệ ngay tới chúng tối để được tư vấn tốt nhất.