Khi tham gia giao thông, ngoài việc tuân thủ các quy tắc cơ bản, mọi người lái xe cũng cần hiểu và phân biệt các loại vạch kẻ đường để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác. Các vạch kẻ không chỉ giúp phân chia làn đường mà còn có nhiều ý nghĩa quan trọng khác để điều hướng di chuyển các phương tiện giao thông. Dưới đây Carpla sẽ chia sẻ đến bạn thông tin chi tiết ý nghĩa của vạch kẻ đường để lưu thông an toàn, tránh vi phạm khi lái xe nhé!
1. Vạch kẻ đường là gì và ý nghĩa của nó?
Vạch kẻ đường là những đường nét, ký hiệu được vẽ hoặc sơn trên mặt đường giao thông, giúp người tham gia giao thông di chuyển an toàn và đúng quy định. Mỗi loại vạch kẻ trên đường đều có ý nghĩa, chức năng riêng biệt tương ứng màu sắc, hình dạng, độ dày của vạch kẻ. Cụ thể ý nghĩa vạch kẻ đường như sau:
- Phân chia làn đường, các làn xe, tạo tổ chức và trật tự cho giao thông.
- Các vạch kẻ đường cung cấp thông tin về tốc độ, làn đường, khu vực cấm, khu vực cho phép dừng đỗ,… để đảm bảo an toàn khi lưu thông.
- Hạn chế tình trạng lấn làn đường, gây nguy hiểm cho các phương tiện.
- Hướng dẫn cho người đi bộ qua đường đúng chỗ và dễ dàng.
- Thể hiện các khu vực đặc biệt như khu vực dành riêng cho các phương tiện ưu tiên…
2. Phân biệt các loại vạch kẻ đường theo ký hiệu vạch
Theo quy chuẩn mới 41:2016/BGTVT có hiệu lực từ ngày 1-11-2016, hệ thống vạch kẻ trên đường không còn phân chia theo địa phận mà chia theo mục đích sử dụng. Cụ thể, các vạch phân chia hai chiều xe chạy được sơn màu vàng, trong khi các vạch phân chia các làn xe chạy cùng chiều sẽ có màu trắng. Dưới đây là ý nghĩa chi tiết các loại vạch kẻ đường theo quy chuẩn mới:
2.1 Vạch dọc theo tim đường
- Vạch dọc liền: Đây là vạch phân chia hai chiều xe chạy hoặc phân chia làn đường dành cho xe thô sơ và xe cơ giới. Đường có vạch kẻ sẽ cấm các phương tiện (cơ giới và thô sơ) vượt quá hoặc di chuyển đè lên vạch.
- Vạch dọc liền kép: Vạch thường xuất hiện ở những đoạn đường nguy hiểm hoặc khu vực có tầm nhìn hạn chế (như đường cong, cua, đoạn đường rộng cho phép tốc độ cao). Vạch yêu cầu người lái xe phải đặc biệt chú ý hơn khi di chuyển các đoạn đường này, không vượt qua vạch để đảm bảo an toàn.
- Vạch dọc đứt quãng: Vạch đường phân làn xe, cho phép ô tô vượt các phương tiện khác nếu cần nhưng phải nhanh chóng trở lại làn đường của mình sau khi vượt.
2.2 Vạch kẻ ngang đường
- Vạch liền kẻ ngang trên đường: Mang ý nghĩa tương tự như hiệu lệnh của biển báo “DỪNG LẠI”, yêu cầu các phương tiện phải dừng lại trước vạch.
- Vạch đứt quãng ngang: Dùng để phân chia phần đường dành cho người đi bộ hoặc xe đạp với các phương tiện khác, thường thấy ở các khu vực giao lộ.
2.3 Vạch kẻ màu vàng
- Vạch vàng nét đứt: Phân chia hai làn xe trở lên chạy ngược chiều trên các đoạn đường không có dải phân cách. Phương tiện có thể cắt qua vạch để chuyển làn.
- Vạch vàng nét liền: Dùng để phân chia hai chiều xe chạy, đặc biệt ở những đoạn đường không có dải phân cách, cấm các phương tiện đè lên vạch hoặc lấn làn. Vạch này thường xuất hiện ở những khu vực có tầm nhìn hạn chế hoặc nguy cơ tai nạn cao.
- Vạch vàng nét liền đôi: Dùng để phân chia hai chiều xe chạy trên những tuyến đường có 4 làn xe trở lên. Các phương tiện không được phép lấn làn hoặc di chuyển đè lên vạch này.
- Vạch vàng một đứt, một liền: Phân chia làn đường cho các đoạn có từ hai làn xe trở lên, cấm các phương tiện đi ngược chiều khi có vạch này. Xe trên làn tiếp giáp với vạch đứt nét có thể cắt qua và sử dụng làn đi ngược chiều khi cần thiết nhưng xe trên làn đường tiếp giáp vạch kẻ liền nét thì không.
- Vạch vàng đứt song song: Xác định ranh giới của làn đường có thể thay đổi hướng xe chạy tùy theo thời gian. Người lái xe cần chú ý đến tín hiệu đèn, biển báo hoặc chỉ dẫn của cơ quan chức năng để đổi chiều.
2.4 Vạch kẻ đường màu trắng
- Vạch trắng nét đứt: Phân chia các làn xe chạy cùng chiều, cho phép chuyển làn qua vạch nếu cần thiết.
- Vạch trắng nét liền: Phân chia các làn xe chạy cùng chiều giữa các phương tiện, cấm phương tiện này chuyển làn qua vạch sang làn đường phương tiện khác.
- Vạch trắng kép nét liền: Dùng để phân chia hai dòng phương tiện ngược chiều trên các đường có từ 4 làn xe trở lên, xe di chuyển không được đè lên vạch.
- Vạch trắng hình con thoi: Cảnh báo người lái xe sắp đến khu vực có vạch kẻ dành cho người đi bộ qua đường, yêu cầu người lái các phương tiện khác nhường đường cho người đi bộ.
- Vạch xương cá chữ V: Dùng để phân chia dòng phương tiện thành hai hướng đi. Các phương tiện không được phép lấn vạch hoặc cắt qua vùng vạch này trừ khi có tình huống khẩn cấp. Vạch thường thấy ở hướng đi lên/xuống cầu vượt.
2.5 Vạch đặc biệt khác
- Vạch mắt võng tại ngã tư: Đây là vạch chỉ thị không được dừng xe trong khu vực này để tránh ùn tắc giao thông.
- Vạch làn chờ rẽ trái: Dành cho các phương tiện phải dừng lại trong làn chờ rẽ trái khi tín hiệu đèn đỏ.
- Vạch phân làn đường trong khu vực nút giao cùng mức: Đây là vạch dùng để phân chia các làn đường ở các nút giao thông, giúp đảm bảo trật tự và an toàn giao thông.
Vạch kẻ phân làn đường tại nút giao cùng mức
3. Phân biệt vạch kẻ đường theo kích thước vạch kẻ
Vạch kẻ đường không chỉ có nhiều loại ký hiệu khác nhau mà còn đi kèm quy chuẩn riêng biệt về kích thước. Cụ thể từng loại vạch cần có kích thước tiêu chuẩn như sau:
3.1 Nhóm vạch kẻ đường phân chia tim đường (phân chia đường hai chiều)
- Vạch phân chia tim đường dạng đơn, nét đứt: Chiều rộng khoảng 15cm, dài nét liền từ 1 – 3m, ở giữa có các đoạn đứt khúc. Khoảng đứt khúc dài từ 2 – 6m (gấp đôi chiều dài của nét liền).
- Vạch phân chia tim đường dạng đơn, nét liền (không đứt khúc): Chiều rộng 15cm, chiều dài đến hết đoạn đường quy định.
- Vạch phân chia tim đường dạng đôi, nét liền: 2 vạch song song rộng 15cm, khoảng cách giữa hai vạch từ 15 – 50 cm.
- Vạch phân chia tim đường dạng đôi, 1 nét liền và 1 nét đứt: 2 vạch song song rộng 15cm, khoảng cách giữa hai vạch từ 15 – 50 cm. Vạch nét liền dài xuyên suốt hết đường, vạch nét đứt có các đoạn liền dài từ 1 – 3m, khoảng đứt khúc dài từ 2 – 6m (gấp đôi đoạn liền).
- Vạch đôi xác định ranh giới giữa các làn đường (có thể chuyển hướng): Chiều rộng vạch 15cm, khoảng cách giữa hai vạch từ 15 – 20 cm. Đoạn nét liền dài từ 1 – 2m, khoảng trống giữa các nét liền dài từ 3 – 6m (gấp 3 lần chiều dài của đoạn nét liền).
3.2 Nhóm vạch phân chia trên đường một chiều
- Vạch phân chia đường chạy cùng chiều dạng đơn, nét liền: Rộng 15cm, chiều dài xuyên suốt đoạn đường quy định.
- Vạch phân chia đường chạy cùng chiều dạng đơn, nét đứt: Rộng 15cm, đoạn nét liền có chiều dài từ 1 – 3m, khoảng trống đứt khúc dài từ 3 – 6m (gấp 3 lần đoạn nét liền).
- Vạch giới hạn làn đường ưu tiên (nét liền hoặc nét đứt): Rộng 30 cm.
3.3 Nhóm vạch kẻ mép đường (giới hạn đường xe chạy)
- Vạch mép đường dạng đơn, nét đứt: Rộng 15 – 20cm, đoạn nét liền dài 60 cm, khoảng trống đứt khúc là 60 cm.
- Vạch mép đường dạng đơn, nét liền: Rộng 15 – 20 cm.
Việc phân biệt và hiểu rõ ý nghĩa của từng loại vạch kẻ đường không chỉ giúp người tham gia giao thông tránh bị phạt mà còn góp phần đảm bảo sự an toàn và trật tự trên các tuyến đường. Hãy ghi nhớ để lưu thông đúng, tuân thủ các quy tắc giao thông liên quan đến vạch kẻ trên đường sẽ giúp bạn hạn chế tai nạn, tăng cường sự an toàn cho bản thân và mọi người.
Bạn cần tư vấn gì thêm về luật giao thông đường bộ hay cần tư vấn mua xe ô tô cũ, bảo hiểm ô tô thì hãy Carpla liên hệ với để được hỗ trợ tốt nhất. Carpla là nền tảng mua bán xe ô tô đã qua sử dụng lớn nhất Việt Nam, ngoài ra hiện tại Carpla là đại lý phân phối chính hãng của bảo hiểm xe Tasco.