BlogBảo Hiểm Xe Ô TôCác trường hợp bảo hiểm không bồi thường khi xảy ra tai...

Các trường hợp bảo hiểm không bồi thường khi xảy ra tai nạn.

Bảo hiểm xe cơ giới là một khoản đầu tư quan trọng để đảm bảo an toàn và bảo vệ tài sản của chủ xe. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều được bảo hiểm bồi thường. Carpla sẽ chia sẻ các trường hợp bảo hiểm không bồi thường chi trả để chủ xe có thể tránh “tiền mất, tật mang” khi gặp phải những tình huống bất ngờ.

1. Tổng hợp các trường hợp bảo hiểm không bồi thường cho chủ xe cơ giới khi gặp thiệt hại

Bảo hiểm xe cơ giới rất có ích đối với chủ xe, giúp bảo vệ tài sản và chi trả thiệt hại khi gặp các sự cố bất ngờ. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường. Có những ngoại lệ và giới hạn trong hợp đồng bảo hiểm mà chủ xe cần lưu ý. Tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP, các trường hợp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại cho chủ xe cơ giới bao gồm:

Các trường hợp bảo hiểm không bồi thường
Không phải mọi trường hợp rủi ro đều được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường

1.1 Hành vi cố tình gây ra thiệt hại của chủ sở hữu phương tiện xe cơ giới, người điều khiển phương tiện hoặc người chịu thiệt hại 

Trong trường hợp chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại cố ý gây ra thiệt hại, họ sẽ không được hưởng bảo hiểm. Điều này nhằm ngăn chặn các hành vi lừa đảo hoặc cố ý gây ra thiệt hại để trục lợi từ chính sách bảo hiểm. Đây là một ngoại lệ quan trọng trong điều kiện loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

1.2 Người điều khiển phương tiện cố ý gây ra tai nạn rồi bỏ trốn

Trường hợp người lái xe gây ra tai nạn cố tình bỏ chạy mà không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, đây là một trong các trường hợp bảo hiểm không bồi thường. Tuy nhiên, nếu người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy nhưng sau đó đã thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, thì họ vẫn sẽ được bảo hiểm bồi thường.

Các trường hợp bảo hiểm không bồi thường
Người lái xe cố ý bỏ chạy không chịu trách nhiệm dân sự thì không được bảo hiểm bồi thường.

1.3 Người điều khiển phương tiện không đáp ứng yêu cầu về độ tuổi

Trường hợp người lái xe không đủ độ tuổi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì sẽ không được bảo hiểm bồi thường. Đủ tuổi là một trong những điều kiện bắt buộc để người lái xe được hưởng bảo hiểm khi xảy ra tai nạn.

1.4 Người điều khiển phương tiện không sở hữu giấy phép lái xe hợp lệ

Nếu người lái xe không có Giấy phép lái xe hợp lệ, hoặc sử dụng Giấy phép lái xe bị tẩy xóa, hết hạn hoặc không phù hợp với loại xe cơ giới thì sẽ không được bảo hiểm bồi thường. Trường hợp người lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe bị thu hồi cũng được coi là không có Giấy phép lái xe hợp lệ.

Các trường hợp bảo hiểm không bồi thường
Bảo hiểm không bồi thường với trường hợp bị tước giấy phép lái xe

1.5 Thiệt hại không trực tiếp

Ngoài thiệt hại trực tiếp, thiệt hại gián tiếp hay thiệt hại không trực tiếp như làm giảm giá trị thương mại và các thiệt hại liên quan đến việc sử dụng, khai thác tài sản bị thiệt hại cũng được xem là trường hợp bảo hiểm không bồi thường.

1.6 Thiệt hại do lái xe say rượu hay ma túy

Nếu người lái xe điều khiển xe cơ giới trong tình trạng có nồng độ cồn vượt mức cho phép hoặc sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm cũng sẽ nằm trong danh mục các trường hợp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với tài sản.

Các trường hợp bảo hiểm không bồi thường
Người lái xe có nồng độ cồn hay ma túy cũng không được bảo hiểm bồi thường thiệt hại tài sản

1.7 Thiệt hại do mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn

Trường hợp tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong quá trình xảy ra tai nạn, bảo hiểm sẽ không bồi thường cho những thiệt hại này.

1.8 Thiệt hại đối với các tài sản có tính chất đặc biệt

Một trong các trường hợp bảo hiểm không bồi thường là về các thiệt hại đối với tài sản đặc biệt như vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.

1.9 Thiệt hại do xảy ra chiến tranh, khủng bố, động đất

Các thiệt hại do chiến tranh, khủng bố, động đất cũng nằm trong phạm vi các trường hợp bảo hiểm không bồi thường.

2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp bảo hiểm đối với chủ xe cơ giới

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau:

  • Thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản của người thứ ba do xe cơ giới tham gia giao thông hoặc hoạt động gây ra.
  • Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách trên chiếc xe đó do xe cơ giới tham gia giao thông hoặc hoạt động gây ra.
Các trường hợp bảo hiểm không bồi thường
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp bảo hiểm đối với chủ xe cơ giới được quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP

Nghĩa vụ bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm trong các trường hợp nêu trên để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan, góp phần nâng cao trách nhiệm của chủ xe cơ giới và tăng cường an toàn giao thông.

3. Phạm vi trách nhiệm bảo hiểm trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Theo quy định hiện hành, mức bồi thường tối đa của doanh nghiệp bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của một người tham gia giao thông do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng trong một vụ tai nạn.

Về thiệt hại về tài sản, mức bồi thường tối đa được quy định như sau:

  • Đối với xe mô tô hai bánh và ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm là 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn.
  • Đối với các phương tiện gồm ô tô, máy kéo, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm là 100 triệu đồng trong một vụ tai nạn.
Các trường hợp bảo hiểm không bồi thường
Mức trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp bảo hiểm đối với chủ xe cơ giới

4. Thời gian hiệu lực của bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ sở hữu xe cơ giới

Thời hạn bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với các phương tiện giao thông cơ giới thông thường là từ 1 đến 3 năm. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ với thời hạn bảo hiểm dưới 1 năm, bao gồm:

  • Phương tiện cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất được phép tham gia giao thông tại Việt Nam trong thời hạn dưới 1 năm.
  • Phương tiện cơ giới có tuổi đời sử dụng nhỏ hơn 1 năm theo quy định pháp luật.
  • Phương tiện cơ giới thuộc đối tượng phải đăng ký tạm thời theo quy định của Bộ Công an.

Trong trường hợp chủ sở hữu phương tiện giao thông có nhiều xe tham gia bảo hiểm tại các thời điểm khác nhau trong năm, nhưng đến năm tiếp theo họ mong muốn đồng bộ hóa tất cả các phương tiện về cùng một thời điểm bảo hiểm để quản lý được dễ dàng hơn, thời hạn bảo hiểm của các xe này có thể được rút ngắn hơn 1 năm và chỉ bằng thời gian hiệu lực còn lại của hợp đồng bảo hiểm đầu tiên mà họ ký kết trong năm đó.

Đối với các hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm được đưa về cùng thời điểm trong năm tiếp theo, thời hạn bảo hiểm sẽ được thực hiện theo các quy định trên.

Hiểu rõ các trường hợp bảo hiểm không bồi thường là rất quan trọng đối với chủ xe cơ giới. Vì vậy, chủ xe cần tuân thủ pháp luật, tránh những hành vi vi phạm, đồng thời nâng cao ý thức an toàn giao thông để bảo vệ quyền lợi cho bản thân và người khác. Chỉ có như vậy, mới có thể tránh được tình trạng “tiền mất tật mang” khi gặp phải những rủi ro không mong muốn.

BTT Carpla
BTT Carpla
Carpla - Nền tảng mua bán xe ô tô đã qua sử dụng lớn nhất Việt Nam. Carpla có mặt tại các thành phố lớn với chuỗi AutoMall tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương, Cần Thơ, Nghệ An.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

spot_img
Bài viết liên quan